Vì sao Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn so với năm trước…

Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang trên đà phục hồi và những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện nhiều hơn nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra rất thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng tín dụng năm 2021 ứng với tình hình diễn biến Covid-19. Kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch Covid-19 dừng trong quý 1 và tiêm chủng vacxin đại trà. Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10-12% trong trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Tại báo cáo nhận định về hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dựa trên bối cảnh vĩ mô hiện tại với tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát và việc tiêm chủng đang được triển khai, triển vọng tăng trưởng tín dụng vẫn nghiêng về kịch bản tích cực nhất là tăng 12,0-14,0% vào năm 2021.

Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng đang thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Như vậy, nhiều khả năng nhà điều hành định cân bằng giữa mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao và nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản, đặc biệt khi những bất ổn kinh tế vẫn còn rõ rệt do rủi ro liên quan đến Covid-19 (tức là nợ xấu cao hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng).

Do Ngân hàng Nhà nước đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm tùy thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng và tỷ lệ nợ xấu nên những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước luôn đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu ở mức thấp. Sau đó, sẽ mở rộng hạn mức tín dụng dựa trên tình trạng tài chính của ngân hàng và kết quả xử lý nợ xấu (thường là trong nửa cuối năm). 

Ngân hàng Nhà nước thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - Ảnh 1.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng năm 2020 và năm 2021

“Theo cách hiểu của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước đang chọn phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Theo đó, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro. Như vậy, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm”, nhóm phân tích của VDSC nhận định. 

Do hạn mức tăng trưởng tín dụng không phải là thông lệ quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, VDSC cho rằng nên thận trọng khi xem hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn là một dấu hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Với chính sách tiền tệ đa tiền tệ, những bất ổn liên quan đến đại dịch khiến Ngân hàng Nhà nước khó có được bức tranh rõ ràng về xu hướng sắp tới của hệ thống ngân hàng. 

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc phân bổ hạn mức tín dụng thấp ban đầu với khả năng điều chỉnh sau này có thể là một công cụ phù hợp trong nỗ lực duy trì ổn định vĩ mô.

Báo cáo của VDSC còn cung cấp thông tin về hạn mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng lớn. Trong đó, Techcombank và MB là 2 ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong năm 2020. 

Năm 2021, bên cạnh Techcombank và MB còn có Vietcombank là những ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao nhất: TCB (12,5%0, MB và VCB (10,5%). Theo sau là ACB (9,5%) và VIB (8,5%), BIDV (7,5%), VietinBank (7,5%), Agribank (6,5%), Eximbank (6,5%),…

Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn so với năm trước.

GIỚI THIỆU

Timthitruong.com là trang thông tin về kiến ​​thức ngân hàng, tài chính, đầu tư kinh doanh, kinh tế, doanh nghiệp, tin tức thị trường trong và ngoài nước mới nhất tại Việt Nam

BÀI VIẾT MỚI

@2022 All Right Reserved. Designed and Developed by timthitruong.com