“Sell in May “là một câu ngạn ngữ rất nổi tiếng của người Anh từ xa xưa. Cụm từ này thường được nhiều nhà đầu tư rỉ tai nhau vào mỗi dịp tháng 5 “Sell in May and Go away”. Vậy cụm từ này có ý nghĩa là gì? Nếu đã là một câu ngạn ngữ xa xưa thì nó có còn đúng với thị trường tài chính hiện nay không? Hãy cùng timthitruong.com tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
“Sell in May” là gì?
“Sell in May” tạm dịch là “Hãy bán cổ phiếu vào tháng 5”. Đây là một thuật ngữ trong đầu tư của giới tài chính – kinh doanh trên thế giới. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu vào đầu tháng 5 và đến tháng 11 mới bắt đầu đầu tham gia lại thị trường cổ phiếu. Chiến thuật này được ra đời và ủng hộ dựa trên những quan niệm rằng thị trường chứng khoán có xu hướng đi xuống vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.
Các điểm chính
- “Sell in May and go away” là một câu ngạn ngữ đầu tư cảnh báo các nhà đầu tư thoái vốn khỏi cổ phiếu vào tháng 05 và chờ đợi để tái đầu tư vào tháng 11.
- Từ năm 1950 đến khoảng năm 2013, Chỉ số Dow Jones có mức lợi nhuận thấp hơn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10, so với khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 04.
- Kể từ năm 2013, số liệu thống kê cho thấy mô hình theo mùa này có thể không còn hiệu quả như trước nữa và những người theo dõi nó có thể bỏ lỡ lợi nhuận đáng kể trên thị trường chứng khoán.
Nguồn gốc của cụm từ “Sell in May, and go away”
Cụm từ “Sell in May and go away” được cho là bắt nguồn từ một câu ngạn ngữ cổ của người Anh, chính là câu “Sell in May and go away, and come on back on St. Leger’s Day”. Câu ngạn ngữ này đề cập đến một phong tục của giới quý tộc, các thương nhân và chủ ngân hàng Anh Quốc, những người rời khỏi thành phố London và quay trở lại trong suốt những tháng ngày mùa hè nóng bức. St. Leger’s Day đề cập đến St Leger Stakes, một cuộc đua ngựa được tổ chức vào giữa tháng 9 ở Anh.
Thời điểm này các nhà giao dịch và nhà đầu tư người Mỹ thường dành nhiều thời gian hơn cho Lễ chiến sĩ trận vong (Memorial Day – vào thứ Hai cuối cùng trong tháng 5) và Ngày lễ lao động (Labor Day – vào thứ Hai đầu tiên của tháng 9). Đây dường như là xu hướng chung và cũng chính vì đặc điểm văn hóa này mà câu ngạn ngữ ra đời trong giới đầu tư. Thực sự thì trong hơn nửa thế kỷ, các mô hình thị trường chứng khoán đã ủng hộ lý thuyết đằng sau chiến lược này.
Ví dụ:
Từ năm 1950 đến khoảng năm 2013, theo Forbes, chỉ số Dow Jones đã có lợi nhuận trung bình chỉ ở mức 0.3% trong khoảng thời gian từ tháng 05 đến tháng 10, so với mức tăng trung bình 7.5% trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4. Trong khi căn cứ chính xác cho mô hình giao dịch theo mùa ít được biết đến này là khối lượng giao dịch thấp hơn do các tháng nghỉ hè và dòng đầu tư tăng trong những tháng mùa đông. Đó cũng là lý do góp phần cho sự khác biệt trong hoạt động của thị trường từ giữa tháng 05 đến tháng 10 và 11.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê gần đây cho thấy mô hình theo mùa này có thể không còn đúng nữa. Theo một bài báo tháng 05/2018 trên Investor’s Business Daily, nếu nhà đầu tư đã bán cổ phiếu vào tháng 05/2016, vậy thì, họ đã bỏ lỡ cơ hội sinh lời. Vào tháng 04/2016, Nasdaq kết thúc tại 4775.36, tuy nhiên nó đóng cửa cao hơn vào tháng 05 và tăng vọt vào cuối tháng 06. Nasdaq đã tăng 55% từ cuối tháng 06/2016 cho đến cuối tháng 01/2018.
Ngạn ngữ “Sell in May” có còn đúng với thị trường tài chính hiện nay?
Kể từ tháng 03/2020 giảm 34% chỉ trong 24 ngày giao dịch, đến hiện tại chỉ số S&P 500 đã lấy lại gần 88% vào tháng 10/2020 tăng trưởng với thanh khoản giao dịch ở mức cao kỷ lục trên nghìn tỷ đô. Nhà đầu tư có thể nhận thấy rằng không phải lúc nào câu nói “Sell in May” cũng đúng.
Do đó, thay vì chạy theo đám đông và thực hiện giao dịch theo chiến lược đầu tư mà bản thân mình không hiểu rõ thì hãy thực hiện đa dạng danh mục với chiến thuật hợp lý, sẽ giúp nhà đầu tư nâng cao lợi nhuận hơn.
Sau đây là 5 lí do mà nhà đầu tư nên rời bỏ chiến lược “Sell in May” và tập trung tìm tòi và phát triển chiến lược hợp lý theo từng thời kỳ:
“Sell in May” không hoạt động đúng trên hầu hết các thị trường khác nhau.
Với mỗi thị trường khác nhau, “Sell in May” sẽ có cách hoạt động khác, với từng sản phẩm tài chính. Ở Mỹ, tháng 5 là giai đoạn thu hút cực kỳ nhiều dòng tiền đến cổ phiếu tăng trưởng, vì đơn giản, giai đoạn nửa cuối năm là quá trình thực hiện tiến độ kinh doanh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp. Điển hình, tỷ trọng các công ty công nghệ trong rổ S&P 500 đã tăng khoảng 27% so với chỉ 8% của rổ MSCI tại Châu Âu.
Nhà đầu tư có thể đánh mất cơ hội đầu tư nếu cứ dựa vào thời điểm mua vào, bán ra. Ngoài ra, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trên các thị trường khác nhau.
Điển hình, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng khoảng hơn 20% từ tháng 5 đến tháng 10 trong liên tiếp 03 năm liền từ 2017 – 2020, và giai đoạn đó chứng khoán của khu vực Eurozone tăng hơn 10% trong vòng 6 tháng đầu năm năm 2019.
Tham khảo thêm:
- Durable goods là gì? Tầm quan trọng của dữ liệu này đối với nhà đầu tư
- Tuyệt kỹ sử dụng Bollinger bands để xác định điểm đảo chiều
“Sell in May” không phải chiến lược phù hợp trong thời kỳ COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch hiện tại, đoán đỉnh trong ngắn hạn của cổ phiếu, tiền ảo hay Forex là điều không thể. Với hàng loại gói kích thích tài khóa và sự phục hồi sau COVID-19, đã dẫn đến mức lạm phát tăng cực cao kéo theo sự tăng trưởng bất thường của thị trường chứng khoán, tiền ảo và Forex tại Mỹ, và có khả năng xu hướng tăng này sẽ kéo dài ít nhất 01 năm nữa.
“Sell in May” làm mất nhiều chi phí cơ hội
Thị trường chứng khoán Mỹ từng đối diện với mức giảm điểm mạnh nhất chưa từng có trong lịch sử, và cũng phục hồi cực kỳ nhanh nhất. Nếu trong lúc hoảng loạn đó, nhiều nhà giao dịch đã bán tháo tài sản của mình thì có vẻ họ đã đánh mất một khoản chi phí cơ hội cực kỳ lớn. Tương tự, đối với nhà đầu tư nào bán vào tháng 5, việc mua lại sau đó chúng ta phải trả một khoản chi phí cơ hội đắt đỏ hơn, chưa kể rằng nếu thị trường tăng điểm liên tục trong thời gian sau đó.
Hơn nữa, trong môi trường hiện nay, với lãi suất danh nghĩa thấp, lạm phát tăng cao, tỷ giá lãi suất thực âm, do đó việc giữ tiền mặt trong người quá lâu sẽ gây mất giá trị đồng tiền và mất rất nhiều cơ hội đầu tư cho bản thân. Ngoài ra, các chi phí giao dịch, thuế thu nhập thì danh mục đầu tư từ tháng 11 trở đi có thể sẽ rất thấp và không đủ bù đắp khoản lỗ.
Lựa chọn thay thế cho chiến lược “Sell in May”
Một số nhà phân tích khuyên rằng, các nhà giao dịch nên đầu tư luân phiên, thay vì lựa chọn bán vào tháng 5. Các nhà đầu tư hãy đa dạng hóa các sản phẩm, danh mục của mình, tập trung đầu tư vào những khoản mục ít bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường, thay vì cứ chăm chăm vào việc đổ tiền mua cổ phiếu.
Kết luận
Bài viết trên đã mang đến cho bạn những thông tin về “Sell in May”, hy vọng bạn đã hiểu được nó và có thể trả lời cho câu hỏi “Liệu sell in may có còn đúng trên thị trường ngày nay?”. Đối với nhiều nhà đầu tư, họ vẫn có thể theo đuổi phong cách này, nhưng nó cần phù hợp với chiến lược giao dịch của họ. Tuy nhiên, đối với tình hình kinh tế hiện nay, thì việc áp dụng và theo đuổi phong cách “Sell in May” sẽ khó có thể tao ra mức lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Do đó hãy theo dõi thị trường và có quyết định phù hợp với chiến lược hiệu quả nhé.